Hà Tĩnh - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, nơi có những tên đất, tên người gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Về Hà Tĩnh chúng ta không thể không nhắc đến di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - vùng đất huyền thoại, nơi đang ngày một hồi sinh, là điểm đến ấn tượng không thể bỏ qua của nhiều du khách.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, có tổng diện tích 107 ha, nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, ở giữa là con đường độc đạo đi qua. Ngã ba Đồng Lộc cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 20km, du khách có thể đi bằng ô tô hay xe máy đều thuận tiện bởi các ngả đường dẫn đến Đồng Lộc đều trải nhựa thênh thang, xen lẫn trong cảnh làng quê đang hồi sinh, “thay da đổi thịt” hàng ngày sau những năm tháng chiến tranh bị đạn bom kẻ thù tàn phá.
Về với Đồng Lộc, ấn tượng đầu tiên với du khách là những thuyết minh viên trong trang phục màu xanh người lính, mũ tai bèo, đôi dép cao su đón chào niềm nở, nhiệt tình, đặc biệt giọng nói truyền cảm, đậm chất xứ Nghệ sẽ dẫn du khách đến với những câu chuyện đầy cảm động về những chiến công, những con người đã từng sống và chiến đấu quên mình tại vùng đất máu lửa này.
Để đảm bảo thông suốt các chuyến xe, kịp thời cho tiền tuyến, hàng trăm, hàng nghìn những chàng trai, cô gái ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi trên khắp mọi miền Tổ quốc đã gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp nơi Ngã ba này, trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) vào ngày 24/7/1968. Chiến tranh đã đi qua, bao mất mát đau thương cũng lùi vào quá khứ, Đồng Lộc bây giờ đã đổi thay, là địa chỉ xanh tràn trề sự sống. Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc được Đảng và Nhà nước xếp hạng là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989, đến năm 1995 được Đảng, Nhà nước và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn đầu tư xây dựng trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Quốc lộ 15A - một nhánh chính của đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn năm xưa chạy xuyên suốt khu di tích, con đường này được nhắc đến trong bài hát rất nổi tiếng của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”… “Ai đi xa mô đó biết có nhớ lấy đường về, đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường Hồng Lam, đèo Ngang, Linh Cảm, cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận. Giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi...”. Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao được nhắc đến chính là nằm trên cung đường 15A này.
Ở vị trí dễ quan sát nhất là Cột biểu tượng của ngành Giao thông vận tải nằm ngay giữa tâm ngã ba đường, là nơi giao nhau của 3 tuyến đường Lạc Thiện - Khe Giao - Ba Giang.
Du khách tiếp tục đi thẳng về phía trước, bên tay phải là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc. Nơi đây ghi danh hơn 4.000 anh hùng, liệt sỹ TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhà bia tưởng niệm chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng “vai trăm cân, chân ngàn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của dân tộc. Tại đây, tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ TNXP sẽ được lưu danh muôn đời, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào.
Để lại nhiều cảm xúc nhất cho du khách là tại hố bom và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ TNXP. Các chị thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Đội trưởng đã anh dũng hi sinh vào hồi 16h00’ ngày 24/7/1968. Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng với những người con trai, con gái TNXP cả nước đã dựng lên tượng đài chiến thắng vĩ đại không chỉ cho vùng đất Hà Tĩnh mà cho cả dân tộc Việt Nam. Các cô đã đi vào lịch sử như một dấu ấn hào hùng của tinh thần quả cảm, chính nghĩa anh hùng cách mạng, cuộc đời của các cô đã trở thành điển tích, huyền thoại khi cả sự sống và cái chết đều mang vẻ bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử. Giờ đây họ cùng nằm lại nơi mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu, 10 ngôi mộ trắng như hàng quân năm xưa, 10 ngôi mộ không khi nào ngơi khói hương của những người đồng đội, những người chưa từng trải qua chiến tranh, những người khách du lịch, cả những chiến binh Mỹ đã từng ném bom hủy diệt Ngã ba Đồng Lộc. Tất cả đến và gửi gắm lòng thành kính cùng nỗi tiếc thương vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái.
Cách Ngã ba Đồng Lộc hơn 50m về phía Bắc, nằm ngay bên trục đường là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành Giao thông vận tải (GTVT) được xây dựng nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ ngành GTVT nói riêng và nhân dân cả nước nói chung về sự cống hiến, hy sinh to lớn của ngành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc. Đài tưởng niệm là không gian ghi danh và tưởng niệm 842 anh hùng liệt sỹ ngành GTVT hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh.
Nằm dưới thung lũng, trong công viên tuổi trẻ là Tượng đài chiến thắng, nơi ấy ngày xưa chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là Ngã ba - nơi giao nhau của 3 huyết mạch và dãy núi Trọ Voi. Sau lưng tượng đài là dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc chính là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên, đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng TNXP, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng cho hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Can Lộc. Dưới chân tượng đài là lư hương và bệ đá. Xung quanh chân tượng đài là những bức phù điêu xếp thành hình cánh cung miêu tả không khí sôi nổi, khẩn trương của TNXP, công nhân giao thông, bộ đội, dân quân, lái xe, nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố bom... dẫn đường cho xe qua.
Một hạng mục mà du khách không thể bỏ qua đó là Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc, nơi mà lịch sử TNXP hiện lên tráng lệ, rõ nét và sống động nhất. Gian chính diện có cụm tượng Bác Hồ với bộ đội, TNXP. Những câu khẩu hiệu đã từng là lý tưởng cháy bỏng của thanh niên được đăng đầy cả 3 phòng lớn này. Hiện nay có gần 1.000 hiện vật và tư liệu cho chúng ta thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của TNXP trên mọi ngả đường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”; một cuộc sống sôi động, đầy chất thép mà cũng đầy lãng mạn. Hiện vật gồm đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của TNXP: xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi, những bức ảnh chụp cảnh trong giờ chiến đấu, cảnh đời thường và cả cảnh ca hát của TNXP.
Phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc nằm kề Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc tạo thành một khối liên hoàn và được gọi chung là Bảo tàng Đồng Lộc. Tại đây có hộp hình (sa bàn) tái hiện lại cảnh tượng khốc liệt, điêu tàn của Đồng Lộc gần 50 năm trước cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “tọa độ chết” này. Du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những hiện vật rất đáng quý như bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ, bộ quần áo của chị Xuân, dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Hường, ảnh 10 cô phục chế, ảnh gốc chụp từ máy bay cảnh tượng Đồng Lộc, mảnh bom từ trường, hàng chục quả bom còn sót lại sau chiến tranh, súng 12ly7... và một số hiện vật ngoài trời như: Máy bay AD6, pháo 57,37, gat 63,57, máy ủi…
Một công trình kiến trúc uy nghi, lung linh ánh sáng, tọa lạc trên đồi Mũi Mác là Tháp chuông. Tháp gồm 7 tầng, 8 mái, cao 37m, trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn. Du khách có thể theo bậc cầu thang (hình xoắn ốc) để lên đến đỉnh tháp, ngắm nhìn toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc hay hướng mắt ra xa để chiêm ngưỡng cảnh đất trời Can Lộc “trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La, ai về Hà Tĩnh mà quê ta…”.
Ngã ba Đồng Lộc, mảnh đất và tên tuổi đã đi vào bao trang thơ, bao điển tích, nơi chứng nhân của giá trị con người với trí tuệ và lòng quả cảm đã vượt lên trên tất cả sự khốc liệt của chiến tranh để trở thành một địa danh ghi dấu lịch sử vàng son của dân tộc. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến người ta quên đi bao tên sông, tên núi, tên một ngã ba mình đã đi qua, nhưng khó có ai một lần đi qua và quên Ngã ba Đồng Lộc. Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng là KDT lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 09/12/2013, nơi đây đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước cho lớp lớp thế hệ sinh ra sau chiến tranh, để bất kỳ ai lớn lên đều thấy mình phải có nghĩa vụ sống sao cho xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh để lại.
Chỉ dẫn:
* Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc 9km đến Ngã ba Giang, rẽ trái và đi tiếp 10km là đếnKhu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
* Liên hệ : 0239 3844 010
* Điểm du lịch lân cận: Cách Ngã ba Đồng Lộc 11km về phía Đông là tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh, 12km về phía Đông Bắc là Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Can Lộc, 5km về phía Nam là Khu du lịch sinh thái Hồ Trại Tiểu.