Chùa Am (Diên Quang tự), thuộc địa phận xã Phụng Công, tổng Đồng Công nay là xã Đức Hòa, Đức Thọ. Chùa tọa lạc trên sườn phía nam núi Am Sơn, nên thường gọi là chùa Am.
Chùa tựa lưng vào vách núi, trước mặt là dòng Liệt Thủy (rào Nướt) đổ ra sông Ngàn Sâu, phong cảnh u nhã, đúng là danh lam đất La Sơn, như một câu đối ở hai cột trụ gốc mái phía trước chùa đã mô tả:
Quảng đại cung tường Am lĩnh tuấn;
Hà sa công đức Liệt giang trường.
(Núi Am cao, đất thiêng rộng lớn;
Sông Hạc dài, công đức vô cùng).
Theo tự phả và các thư tịch, tài liệu nghiên cứu đã công bố thì Hoàng hậu Bạch Ngọc tên là Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tông. Sau khi nhà Trần mất ngôi, nhà Minh mượn cớ sang đánh nhà Hồ để xâm lược nước ta, bà đã đưa con gái là công chúa Huy Chân (Trần Thị Ngọc Hiên) và gia nhân chạy về Nghệ An, tổ chức khai phá đất hoang, lập lên nhiều làng xóm ở vùng hạ Hương Khê, thượng Đức Thọ và thượng Can Lộc. Mẹ con bà đưa số thóc gạo dự trữ được cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn. Công chúa Huy Chân được Bình Định Vương chọn làm cung phi, sinh công chúa Trang Từ (Lê Thị Ngọc Châu). Sau ngày thắng lợi, bà Bạch Ngọc xin vua cho lập ngôi chùa ở Am Sơn, xuất gia tu hành ở đây. Về sau, công chúa Huy Chân cũng xin về tu hành cùng mẹ. Công chúa Trang Từ, sau khi chồng là Minh Quận công Bùi Ban tử trận, tái giá với Quận công Trần Hồng, nhưng cuối cùng cũng về đây tu hành cùng bà và mẹ… Như vậy, chùa Diên Quang được xây dựng vào khoảng năm Thuận Thiên (1428-1433) đời Lê Thái Tổ. Tuy nhiên, hiện tại chưa tìm ra các tài liệu, chứng tích cho biết tình trạng ngôi chùa lúc mới xây dựng và thời điểm các lần trùng tu, tôn tạo về sau. Trên xà nhà chỉ còn lại dòng chữ khắc “Nguyễn triều Duy Tân tứ niên quý hạ (…) trùng dinh công thoan, quý đông trung cán khánh (...) thành” (Năm Duy Tân thứ tư (1910) triều Nguyễn,… tháng cuối hạ (tháng sáu) dựng lại, công việc hoàn tất, trung tuần tháng cuối đông (tháng chạp) khánh (...) thành). Có thể đây là thông tin về lần tu sửa cuối cùng.
Những du khách có hiểu biết về kiến trúc cổ khi đến thăm chùa sẽ rất ngạc nhiên, thích thú bởi chùa Am vẫn còn giữ được kiểu kiến trúc theo lối chữ “Công” với sườn bằng gỗ, tường xây, mái ngói lợp âm dương - kiểu kiến trúc đặc thù vào cuối thế kỷ XIX.
Những đường nét uốn cong trông nhẹ nhàng, thanh thoát của mái nhà càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chùa. Toàn ngôi chính điện được dựng bằng 60 cột gỗ mít, trong đó có 14 cột được thay mới; từ ngoài nhìn vào, là kết cấu liền khối được chia làm ba gian liên kết với nhau thành một tổng thể vững chắc, mạch lạc. Nếu nhìn từ hai bên tả hữu hoặc đằng sau, các mái ngói của chính điện được lợp thành nhiều tầng; phần giữa hơi chùng xuống và hai đầu uốn cong dần lên khiến cho tổng thể ngôi chùa trông như con thuyền đang lướt sóng. Nhiều người đã ví kiến trúc của chính điện chùa Am là hình tượng con thuyền Bát nhã.
Nền chùa được lót bằng đá xanh. Chính điện thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và các vị Bồ tát khác. Hai bên có câu đối:
Thính pháp văn kinh thông minh nhĩ, mục
Tu nhân hành đạo lợi lạc nhân, thiên
(Nghe pháp hiểu kinh tai tỏ mắt sáng
Theo đạo sửa mình lợi người trời vui).
Phía trước có tòa cửu long được chạm trổ rất công phu. Bên phải thờ các vị thổ thần và bên trái thờ hoàng hậu Bạch Ngọc.
Nằm gần bình phong, bên cạnh các cấp lên xuống chính điện chùa là hai ngôi tháp mộ. Có tất cả bảy ngôi tháp như vậy, mà theo người dân địa phương, đây là nơi chôn cất các vị sư đã từng trụ trì chùa trước đây. Hầu hết các ngôi tháp mộ này, ngoài các câu đối, không thấy có văn bia nên rất khó xác định được danh tính. Chỉ có tháp mộ của Hòa thượng Thích Trí Liễn ở phía trước bên trái gần lối đi vào chùa còn ghi rõ niên đại và danh tánh. Hòa thượng có thế danh là Nguyễn Tất Tố, sinh năm 1868, mất năm 1936. Trước khi xuất gia, cụ có người con trai tên là Nguyễn Tất Toán, từng tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930-1931, sinh hoạt ở chi bộ Đồng Công, sau cũng về chùa tu hành cùng cha.
Ngoài ra, đối diện về phía bên trái vườn chùa, một ngôi tháp khác có tên là “An Tập tháp”, lạc khoản khắc bên trên lòng cổ của tháp cho biết, dưới triều Khải Định, Sa di Thanh Liễn, người trụ trì tại chùa đã xây xong 3 ngôi tháp vào ngày lành tháng tốt năm Quý Hợi (năm 1923).
Từ tam quan đến chính điện chùa, du khách đi qua một đoạn đường có tầng bậc trải dài thoai thoải theo triền dốc. Người đến chùa lần lượt đi qua hai ngôi tháp mộ, một am thờ thổ thần và một dãy nhà ở bên phải. Leo lên thêm vài chục bậc cấp nữa thì đến một khoảnh sân rộng. Cứ vài chục bậc cấp thì có một khoảnh sân như vậy, có ý nghĩa như một sự nối kết, tạo sự hài hòa cân xứng cho tổng thể kiến trúc chùa Am, làm điểm dừng nghỉ để tinh thần được lắng dịu trước khi vào lễ Phật.
Phía sau chính điện, một con đường mòn dẫn lên núi có nhiều phiến đá giống hình người đang lạy nên được người dân ở đây gọi là “Bái Phật tảng” hay “Đá thần đồng”. Ngoài ra, sân vườn chùa còn có nhiều cây cổ thụ quanh năm cho bóng mát, đặc biệt là những cây đại vài trăm tuổi đến nay vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nằm thấp thoáng dưới những rặng cây cổ thụ với nhiều bậc cấp như thế, chùa Am càng mang nhiều nét cổ kính.
Ngay sau chùa là hồ nước ngọt rất lớn, nước trong xanh và được núi bao bọc Nếu leo lên Am sơn, đứng giữa rừng thông xanh bạt ngàn nhìn xuống chùa trông ra sông Ngàn Sâu, ta mới thấy phong cảnh nơi đây đẹp đến nhường nào. Có thể nói, chùa Am là một ngôi cổ tự có lịch sử lâu đời, có phong cảnh và kiến trúc vào loại hiếm ở nước ta.
Suốt hơn năm thế kỷ, ngôi chùa cổ kính Diên Quang không chỉ nổi tiếng là nơi phong cảnh tuyệt đẹp mà còn gắn với tên tuổi bà Hoàng hậu Bạch Ngọc, gắn với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh của nhân dân vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Chỉ dẫn:
Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc 30km đến thị xã Hồng Lĩnh, theo quốc lộ 8A về phía Tây khoảng 18km, tiếp tục theo tỉnh lộ 28 khoảng 4km là đến chùa Am.
Liên hệ : 01234 105111 (Ông: Đoàn Văn Hiếu - Trưởng ban quản lý)
Điểm du lịch lân cận: Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, mộ Phan Đình Phùng, làng nghề Trường Xuân.